Từ ‘người rừng’ thành đại gia nhờ sâm Ngọc Linh

Hơn 30 năm trồng sâm ở vùng núi Ngọc Linh (Quảng Nam), đến nay những người dân Xê Đăng sống ở huyện nghèo nhất nước đã trở thành đại gia khi sở hữu vườn sâm trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Từ xa xưa, người dân Xê Đăng sống dưới chân núi Ngọc Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) vẫn thường dùng loại cây dược liệu mọc rất nhiều ở ngọn núi cao nhất miền Trung này để chữa bệnh. Họ gọi đó là “thuốc dấu”. Những năm chiến tranh, người dân thường dùng “thuốc dấu” trị vết thương, sốt rét… cho bộ đội.

Loài cây quý chỉ được biết đến rộng rãi vào năm 1973. Lúc này, dược sĩ Đào Kim Long được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đi tìm và nghiên cứu các loại thuốc quý để chữa bệnh cho bộ đội. Sau hàng năm trời cuốc bộ dọc dãy Trường Sơn, dược sĩ Long tìm ra loài cây mà người dân Xê Đăng vẫn dùng để trị bách bệnh. Ông sau đó đặt tên cho loài cây là sâm Ngọc Linh, hay sâm K5.

tu-nguoi-rung-thanh-dai-gia-nho-sam-ngoc-linh

Nghề trồng sâm không chỉ mang lại kinh tế mà còn giúp bảo vệ rừng. Ảnh: Tiến Hùng.

Việc cây thuốc quý được biết đến rộng rãi vô tình khiến cho hàng trăm người tứ xứ đổ xô lên núi săn lùng. Chỉ trong vài năm, cây sâm tự nhiên gần như tuyệt chủng. May mắn, thời điểm này một số người dân địa phương lo ngại biến mất loài cây quý nên tổ chức ươm giống, mang sâm tự nhiên từ trong rừng về nhà trồng. Sau hàng chục năm gắn bó với nghề trồng sâm, những người này bây giờ thành đại gia khi sở hữu vườn sâm hàng trăm tỷ đồng.

Những “tỷ phú” vùng cao

Ngôi nhà kiên cố của ông Hồ Văn Du nằm chênh vênh bên sườn núi Ngọc Linh thuộc thôn 2, xã Trà Linh. Ở huyện được cho là nghèo nhất nước này, việc có được ngôi nhà bề thế như ông Du chẳng phải chuyện thường. Đường sá đi lại khó khăn, từ trung tâm xã tới ngôi làng này phải đi bộ hơn 4 tiếng nên lúa, ngô trồng được cũng không biết bán cho ai. Chính vì vậy người dân ở đây chỉ giàu lên khi nghề trồng sâm được nhân rộng mà ông Du là người tiên phong. Ở vùng Ngọc Linh, người dân vẫn gọi ông là “vua sâm”.

“Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi thấy cây sâm gần như tuyệt chủng nên lo lắng. Từ đó tôi bắt đầu đi rừng tìm cây này về nhân giống, cứ như vậy vườn sâm bây giờ của tôi rộng đến 5 ha”, ông Du cười nói.

Vườn sâm Ngọc Linh của ông Du có gần 130.000 gốc, trong đó trên 10.000 cây hơn 10 năm tuổi. “Cây sâm càng nhiều tuổi càng giá trị. Thấp nhất loại sâm trên 5 tuổi khoảng 40 triệu đồng một kg, loại hơn 10 tuổi giá gấp đôi”, ông Du nói. “Vua sâm” ước tính bình quân 20 gốc sâm 12 đến 15 tuổi sẽ cho một kg thì cả vườn của ông có khoảng 6,5 tấn sâm củ, tương đương 250 tỷ đồng.

tu-nguoi-rung-thanh-dai-gia-nho-sam-ngoc-linh-1

Hiện nay, trung bình giá mỗi kg sâm Ngọc Linh 50 triệu đồng. Ảnh: Tiến Hùng.

“Hàng chục năm sống chết với sâm Ngọc Linh, có lúc tưởng như mình là người rừng, bây giờ tính bình quân mỗi năm cây sâm cho tôi 8 tỷ đồng, một số tiền quá lớn giữa miền rừng này”, ông Du khẳng định. Trở thành đại gia, người đàn ông Xê Đăng vẫn chân đất, ở nhà sàn gỗ, không phương tiện đắt tiền và ngày đêm ăn ngủ nơi rừng sâm.

Thấy việc trồng sâm của ông Du phát đạt, nhiều hộ dân trong vùng đổ xô học cách ươm giống rồi vào rừng phát rẫy trồng. Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch huyện Nam Trà My, cho hay ở xã Trà Linh có 500 hộ thì đến 95% trồng sâm. Ngoài ông Du còn có Hồ Văn Dê (em trai ông Du), Hồ Văn Hình… cũng được xem là đại gia, sở hữu hàng nghìn gốc sâm Ngọc Linh có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Ai cũng dựng được nhà lớn, đào được ao cá, sống sung túc.

“Nhà ít thì trồng khoảng một nghìn gốc sâm. Nếu bây giờ nhổ hết bán hầu như nhà nào ở xã Trà Linh cũng có tiền tỷ”, ông Bửu nói.

Mới đây, một nông dân trồng sâm đã vào hàng đại gia của xã là Nguyễn Văn Lượng. Vốn xuất thân từ gia đình khốn khó, tuổi thơ phải sang Kon Tum mưu sinh, Lượng đã làm đủ nghề nhưng vẫn không đủ sống. Thấy người ta vào rừng đào sâm Ngọc Linh tự nhiên để bán, anh cũng xin theo. “Nhờ đào sâm trúng có ít vốn nên tôi chuyển cả gia đình về Nam Trà My sinh sống. Nhưng sau đó nhận thấy đào mãi thì sâm tự nhiên cũng hết nên tôi tìm cách nhân giống và chuyển qua trồng loại cây này”, anh Lượng kể.

tu-nguoi-rung-thanh-dai-gia-nho-sam-ngoc-linh-2

Anh Lượng sở hữu vườn sâm hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: Tiến Hùng.

Anh Lượng cho biết, hiện trồng khoảng 4.000 gốc sâm Ngọc Linh, trong đó khoảng 3.000 gốc 6 năm tuổi chờ thu hoạch. Mới đây, anh đã xuất bán 1.000 gốc sâm gần 10 năm tuổi cho các thương lái ở TP HCM và Hà Nội. Nhờ có kinh nghiệm thực tế nên mỗi năm, anh có thể nhân ra hàng trăm gốc sâm giống. Vì vậy, vườn sâm cứ rộng dần theo thời gian. Cũng vì diện tích trồng sâm ngày càng rộng ra nên anh Lượng phải thuê 10 nhân công về chăm sóc.

Anh Lượng kể rằng, có tiền trong tay, có mối quan hệ với bạn hàng nên từ vùng đất gần như biệt lập này, anh đã có những chuyến bay ra Hà Nội để làm việc, tính chuyện làm ăn lớn với đối tác. Việc mà trước đây có nằm mơ, những người dân Xê Đăng này cũng không thấy.

Mặc dù phần lớn người dân nơi đây đều có trong tay tiền tỷ vì sở hửu vườn sâm mà người dân địa phương vẫn gọi “vương quốc sâm”, nhưng cuộc sống của họ vẫn không thay đổi là bao. “Nhiều thôn ở đây vẫn chưa có điện. Do địa hình hiểm trở nên đường sá không thể đi xe được. Nếu làm đường thì người dân sẽ mua ôtô”, anh Hồ Văn Hinh nói. Để chuẩn bị mua ôtô, cách đây không lâu, người đàn ông này nhổ 5 kg sâm mang xuống thành phố bán lấy gần 200 triệu đồng dùng để thuê nhà ở, học lái xe.

UBND tỉnh Quảng Nam mới đây quyết định phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My” giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát là quy hoạch bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn Nam Trà My, tạo tiền đề cho công tác quản lý, hoạch định chính sách phát triển lâu dài, bảo tồn nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh.

Trước đó Chính phủ đã phê duyệt “Đề án quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh với tổng kinh phí thực hiện gần 35 nghìn tỷ đồng, với quy mô 15.568 ha. Đề án được thực hiện tại 7 xã thuộc huyện Nam Trà My. Việc trồng sâm không chỉ được đánh giá cao bởi giá trị kinh tế mà còn giúp bảo vệ rừng bởi muốn trồng sâm người dân trước tiên phải giữ rừng để che phủ.

Tiến Hùng

Share this post