9.000 tỷ đồng để phát triển sâm Ngọc Linh
Chính phủ đã phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000 hécta, phát triển ngành công nghiệp chế biến sâm…
Người dân Xê Đăng trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh và huyện Nam Trà My đều đặt cây sâm ở vị thế chủ lực trong các loại cây trồng cần được đầu tư bảo tồn và phát triển. Tháng 5/2015, Quảng Nam trình Chính phủ đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và tháng 9/2015 được phê duyệt.
Đề án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I (2016-2020) là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sâm; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, bảo tồn giống và phát triển vùng nguyên liệu sâm. Giai đoạn II (2020-2030) sẽ tổ chức di thực trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My với diện tích 30.000 hécta; phát triển ngành công nghiệp chế biến sâm và du lịch gắn với phát triển vùng sâm Ngọc Linh.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam. |
“Tổng mức đầu tư của 2 giai đoạn này trên 9.000 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách khoảng 1.500 tỷ, còn lại huy động vốn xã hội hóa”, ông Thanh nói và cho hay đang thực hiện giai đoạn I. Mục tiêu là phát triển sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ đạo để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại vùng trồng sâm.
“Để làm được việc này, phải xây dựng thành công thương hiệu sâm Việt Nam cùng với việc xây dựng quy trình sản xuất các loại thực phẩm chức năng kinh tế cao, như thuốc chữa bệnh từ nguồn nguyên liệu sâm Ngọc Linh để tạo nên dược phẩm đặc hữu của quốc gia, đưa cây sâm Việt Nam sánh cùng sâm Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và Canada”, ông Thanh bày tỏ.
Phó chủ tịch Quảng Nam thông tin, huyện Nam Trà My cũng đang triển khai đề án phát triển vùng sâm gốc Ngọc Linh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, địa điểm phát triển vùng sâm gốc Ngọc Linh là làng Tắk Ngo, thôn 2 xã Trà Linh. Mục tiêu của dự án là đầu tư hoàn thiện vùng sâm gốc Ngọc Linh trong phạm vi 100 ha, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất giống sâm Ngọc Linh bền vững, cung cấp giống chất lượng cho việc phát triển sâm tại địa phương. Kinh phí thực hiện đề án theo phân kỳ đến năm 2020 là 202 tỷ đồng.
Trăn trở của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam là nguồn giống sâm. Cây giống chủ yếu được ươm từ hạt. Nguồn giống này rất đảm bảo, nhưng số lượng hạn chế. Trong khi đó nguồn giống nhân tạo từ công nghệ nuôi cấy mô mới ở giai đoạn nghiên cứu, thực nghiệm. “Quảng Nam rất cần sự chung tay của các ngành khoa học, sinh học trong việc tạo giống sâm Ngọc Linh”, ông Thanh chia sẻ.
Sau 5 năm trồng, một hécta sâm cho thu hoạch hơn 30 tỷ đồng. Ảnh: Đắc Thành. |
Trước việc người trồng sâm đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ rừng sâm, Phó chủ tịch Quảng Nam cho biết, tỉnh đã đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ địa phương ứng dụng công nghệ thông tin, mạng Internet vào khâu quản lý quy trình sinh trưởng, bảo vệ an ninh tại các vùng sâm. Song song với đó là hệ thống thiết bị cảm biến, đo đạc công nghệ cao kết nối với nhau, tích hợp các công nghệ tiên tiến giúp thu thập dữ liệu, kết nối với hạ tầng thông tin để truy xuất dữ liệu, tự động hóa khâu trồng trọt, quản lý.
Những công nghệ này giúp người trồng dễ dàng theo dõi được quy trình sinh trưởng của cây, dễ quản lý, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao được giá trị kinh tế. Việc truy xuất nguồn gốc điện tử cũng giúp minh bạch, công khai hồ sơ của cây sâm, giúp sản phẩm vươn ra được thị trường quốc tế, tăng sức cạnh tranh, vốn được nhiều nước tiên tiến áp dụng.
“Công an huyện, các xã vùng sâm sẽ tăng cường tuyên truyền pháp luật cho người dân, tăng cường tuần tra, cảnh giác với nạn trộm sâm Ngọc Linh và kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm”, ông Thanh nói.
Xem thêm: Phân biệt sâm Ngọc Linh như thế nào?
Theo VNexpress.net