BA GIÁ TRỊ ĐẶC HỮU CỦA SÂM NGỌC LINH

Trên thế giới với nhiều vùng đất, khí hậu thổ nhưỡng khác nhau cũng cho ra nhiều loại sâm quí. Như sâm Hàn Quốc, sâm Mỹ, sâm Canada, sâm Nga, sâm Việt Nam với tính năng bổ dưỡng sức khỏe được nhiều người tin dùng.

Nhưng với sâm Ngọc linh – sâm Việt Nam là trường hợp đặc biệt. Theo các nhà khoa học quốc tế đánh giá trong củ, thân và lá có chứa hàm lượng vi chất saponin rất đa dạng  có tinh năng vượt trội so với các loại sâm khác. Nó không chỉ tăng cường sinh lực mà còn tham gia hiệp lực với các loại thảo dược khác, chữa được nhiều bệnh nan y. Sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam bây giờ được xếp vào một trong năm họ sâm đặc hữu quí hiếm có giá trị bậc nhất của thế giới. Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Công Luận với hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu cây sâm Ngọc Linh khẳng định:  không có một loài sâm nào trên thế giới cho tới bây giờ mà lại có nhiều thành phần hợp chất saponin đã phân lập được 52 cấu trúc như ở sâm Ngọc Linh.

Sự nổi tiếng của cây sâm Ngọc Linh giờ đây đã được quốc tế biết đến. Nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài, thậm chí là những vị khách từ xứ sở trồng sâm truyền thống ở Hàn Quốc vẫn tìm đến những vườn sâm Ngọc Linh để nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và hơn hết là muốn tận mắt thấy, tay sờ vào củ sâm Ngọc Linh mà họ biết đến là rất quý hiếm của nhân loại.

Sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam đã trở thành báu vật.  Mọi bộ phận của sâm từ thân, lá, củ, hạt đều được săn lùng tìm mua với giá cao ngất ngưỡng. Riêng củ sâm Ngọc Linh còn tươi tại vườn sâm gốc, chính chủ giá dao động từ 100 triệu đến 500triệu đồng trên một kg tùy vào độ tuổi và độ đẹp của nó.

Sâm Ngọc Linh về mặt giá trị kinh tế là cây trồng số một ở Việt Nam. Xét về tổng thể thì hiện tại và cả tương lai không loại cây trồng nào có thể sinh lời ra tiền tỉ  như nó. Một héc ta rừng trồng sâm xen kẻ dưới tán lá sau 5 đến 7 năm thu về 30 đến 40 tỉ đồng tương đương 2 triệu đô la Mỹ. Đây không phải là con số mơ ước của mọi người mà là con số thực được nhiều nông dân bản địa đã thực hiện làm thay đổi bộ mặt làng bản. Ông Hồ văn Du, ông Nguyễn văn Lượng , ông Hồ văn Bông … là những  hộ nông  dân Xê Đăng đã ý thức sớm về giá trị cây sâm đã đi đầu trong việc trồng bảo tồn phát triển sâm từ những năm trước, giờ họ là những đại gia chân đất có tổng tài sản hàng trăm tỉ đồng trên vùng đất thiêng huyền ảo này.

Cây sâm Ngọc Linh là loài thảo mộc sống cộng sinh giữa khu rừng già của đại ngàn. Nó dựa vào tàn lá rừng để tránh cái nắng gay gắt, dựa vào môi trường trong lành của rừng để tích tụ dược chất quý hiếm, dựa vào thảm thực bì từ lá rừng rơi rụng để bám rể sinh tồn và phát triển. Sâm Ngọc Linh chỉ sống được ở vùng lõi của các khu rừng già. Mở rộng vùng trồng sâm đồng nghĩa mở rộng phạm vi bảo vệ rừng tự nhiên một cách nghiêm nghặt. Cư dân  Xê đăng , Ka dong huyện Nam Trà My, vùng sâm quanh núi Ngọc Linh có ý thức bảo vệ rừng rất cao. Họ đặt ra luật riêng để phạt nặng những ai chặt phá đốt rừng làm nương rẫy.

Cây sâm Ngọc Linh có 3 giá trị đặc hữu mà không loại cây nào có được. Đó là giá trị về dược liệu tăng cường sinh lực sức khỏe cộng đồng, giá trị về kinh tế đem lại giàu có ấm no cho mọi nhà và giá trị nữa là bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường xanh bền vững –  đây là tiêu chí cốt lõi  được thế giới tôn vinh và khuyến khích nhân rộng.

Đề án Quốc gia về bảo tồn và phát triển sâm gốc Ngọc linh vừa trình lên đã được chính phủ đồng ý chấp thuận ngay. Tỉnh Quảng Nam và huyên Nam Trà My cũng sớm ban hành  nhiều cơ chế cởi mở thông thoáng về môi trường trồng sâm, về vốn vay ưu đãi, về cây giống…. đã được người dân và doanh nghiệp đón nhận hưởng ứng nhiệt tình.


Vườn sâm Ngọc Linh sinh trưởng dưới tán rừng già

Hàng chục nghìn hecta rừng nguyên sinh giờ đã có chủ, được bảo vệ nghiêm ngặt. Ở đây hàng ngàn hộ dân đã tự liên kết thành những nhóm, những tổ xây dựng hàng trăm vườn trồng sâm dưới tán lá đại ngàn. Sức quyến rũ của sâm Ngọc Linh cùng cơ chế mở của địa phương đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp về đây tìm cơ hội liên kết đầu tư. Hiện có 6 doanh nghiệp được tỉnh cho phép khảo sát trên diện tích hơn 1.500ha môi trường rừng và sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng trồng sâm. Đồng thời cam kết sẽ liên doanh xây dựng nhà máy chế biến ngay tại vùng Ngọc Linh để làm tăng chuổi  giá trị, đủ sức canh tranh ra thị trường.

Cục sở hữu trí tuệ Bộ KH-CN cũng đã ban hành chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ để khẳng định danh tiếng và chất lượng của sâm Ngọc Linh. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tiến tới xây dựng thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam. Giúp cho báu vật núi Ngọc Linh có vị trí ngang tầm với các dòng sâm quý trên thị trường thế giới.

           Cây sâm Ngọc Linh giờ đã gắn bó với người dân, doanh nghiệp thì đón nhận tích cực. Thêm nữa các cấp chính quyền cùng đồng hành kiến tạo cơ chế ưu đãi. Trong tương lai gần, nhất định sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia, xứng tầm như một mỏ kim cương xanh đem ngoại tệ về cho đất nước. Đồng thời tạo ra lợi ích cốt lõi chính là thay đổi cuộc sống người dân miền núi và giữ môi trường rừng một cách bền vững cho muôn đời sau.

Tác giả: Lê Mai

Share this post